Từ một người lính Thủ đô tăng cường vào Binh trạm 34, Đoàn 559, trở về đời thường ông dành hết đam mê, tâm huyết, đóng góp cho nền giáo dục nước nhà. Tấm lòng thầy Hương được nhiều người quý mến. Gặp lại các đồng đội một thời sát cánh bên nhau, thầy Hương bùi ngùi xúc động. Năm ấy vừa tròn 16 tuổi, chàng trai Đinh Xuân Hương đã tham gia Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam. Sớm giác ngộ lý tưởng, tuổi trẻ lại xông pha nên Hương nhanh chóng trưởng thành trong môi trường cách mạng. Năm 1968, đang làm Trưởng phòng Tài vụ kiêm Bí thư đoàn Xí nghiệp Dược phẩm thành phố Hà Nội thì ông Hương xung phong vào quân tăng cường Thủ đô. Sau 3 tháng huấn luyện ở Đồng Bèn (tỉnh Hà Sơn Bình cũ), ông Hương hành quân vào Nam, gia nhập Binh trạm 34, Đoàn 559, làm công tác tài vụ cho đơn vị. Ông Hương nhớ lại: “Sống ở chiến trường, tình cảm đồng đội là tài sản vô giá. Một lần tôi lên cơn sốt rét ác tính, đang nằm điều trị tại trạm quân y, trong cơn mê sảng tôi lạc vào rừng sâu. Lúc cạn sức, cổ họng khô cháy, tưởng không qua khỏi thì may mắn được các đồng chí đơn vị bạn dìu về”.
Tuổi cao vẫn yêu sự nghiệp “trồng người”
Thầy Đinh Xuân Hương (thứ hai, bên phải).
Hòa bình lập lại, ông Hương tiếp tục công việc ở Xí nghiệp Cơ khí lương thực Hà Nội, sau đó về nghỉ hưu theo chế độ. Đúng thời điểm đó, ông Hương nhận được lời mời của một số giáo sư mở một trường dân lập cho học sinh Hà Nội. “Nhận thấy việc đầu tư vào giáo dục rất có ý nghĩa cho xã hội nên tôi nhận lời ngay. Được tín nhiệm về năng lực và từng là một người lính nên tôi được cử làm Phó chủ tịch HĐQT từ năm 1997 và tiếp tục là Chủ tịch HĐQT cho đến nay”, ông Hương tâm sự. Vạn sự khởi đầu nan. Ban đầu nhà trường chỉ tuyển được 2 lớp 10, bàn ghế, mặt bằng phải đi thuê. Nhưng với quyết tâm, thầy Hương và đội ngũ ban giám hiệu nhà trường từng bước vượt qua khó khăn. Thầy Hương cho biết: “Việc đầu tiên chúng tôi quan tâm là đội ngũ lãnh đạo nhà trường cùng các thầy cô giáo. Đó là những người có tâm, có tài như Giáo sư Hoàng Xuân Chinh, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Xuân Hòe, hầu hết đều xuất thân là người lính. Cô Trần Thị Tâm, Hiệu trưởng nhà trường, nguyên là giảng viên Trường Văn hóa Quân đội (thuộc Bộ tư lệnh Thông tin Liên lạc); Đại tá Phạm Đức Nhẫn, phụ trách nhiệm vụ giáo dục đạo đức, nền nếp cho học sinh, nguyên là cán bộ công tác ở Quân chủng Phòng không-Không quân. Giáo viên nhà trường là đội ngũ các thầy cô giáo đã giảng dạy nhiều năm ở các trường có uy tín”. Với phương châm “Hãy đặt mình vào vị trí là cha mẹ trẻ để giảng dạy, giáo dục và xử lý công việc”, đến nay trường thu hút được gần 5.000 học sinh. Thế mạnh hiện nay của trường là giáo dục nâng cao trình độ tiếng Anh. Nhà trường mời đội ngũ các giáo viên từng học ở nước ngoài về giảng dạy trong điều kiện cơ sở vật chất ngày càng được nâng cấp hiện đại. Bên cạnh đó, nhà trường đặc biệt quan tâm giáo dục văn hóa, lịch sử truyền thống quân đội cho học sinh… Chia tay thầy Hương và các thầy cô, đồng chí Nguyễn Thăng Cường, Trưởng ban liên lạc Hội Cựu quân tăng cường Thủ đô, cho hay: “Chúng tôi rất xúc động và tự hào vì những việc làm của đồng chí Đinh Xuân Hương. Những người lính tăng cường Thủ đô trong chiến đấu thì anh dũng kiên cường. Về đời thường, dù tuổi cao, nhưng vẫn miệt mài, tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Đó là phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ”. Bài và ảnh: PHẠM KIÊN